Định nghĩa hoàn chỉnh nhất về Rượu vang của Viện Hàn lâm Ẩm thực Pháp nói rằng : ” Rượu vang là một sản phẩm nguyên chất thu được từ sự lên men rượu toàn phần hoặc một phần từ nho tươi ép ra nước, hoặc từ hỗn hợp nước nho và bã nho ép ra nước ”.

Nhấn mạnh thêm tới khía cạnh nhân văn của thứ nước uống có một không hai này, Từ điển của Viện Hàn lâm Ẩm thực Pháp hoàn chỉnh định nghĩa về rượu vang như sau : ” Là một chất lỏng sinh động, rượu vang có thể mang bệnh, có thể già và chết”.
 
Cũng từ Định nghĩa về Rượu vang của Viện Hàn lâm Ẩm thực Pháp, chúng ta rút ra những kết luận sau đây:

1. Rượu vang phải là một sản phẩm làm hoàn toàn từ nước nho lên men. Các sản phẩm có cồn được làm từ các loại trái cây lên men khác không thể gọi là rượu vang, mà phải gọi là rượu lên men từ trái cây. Cụ thể như: rượu vải thiều lên men, rượu mơ lên men, rượu anh đào lên men…

2. Lượng đường có trong rượu vang có thể được vi khuẩn lên men chuyển hóa gần như hoàn toàn thành cồn (trường hợp của các chai rượu vang chua “Dry Wine” với lượng đường dư thừa trong 1L rượu vang dưới 3,5 gr). Trong các chai vang nửa ngọt “Semi-Sweet” hoặc ngọt “Sweet”, lượng đường dư còn lại trong rượu vang khá lớn, từ 17-35 gr/l đối với rượu vang nửa ngọt và trên 50 gr/l đối với rượu vang ngọt, tức là lượng đường có trong nước nho chỉ được chuyển hóa 1 phần thành cồn.

3. Rượu vang là một sản phẩm lên men, với sự tồn tại và hoạt động của các vi khuẩn lên men, vì thế sẽ không thể giữ được hàng trăm năm như rượu mạnh là một sản phẩm chưng cất. Nói chung, tùy theo việc cây nho được trồng trên vùng đất nào, rượu vang được làm từ giống nho nào, tuổi của cây nho trẻ hay già, phương pháp làm rượu ra sao mà các chai rượu vang có thể giữ được từ vài năm tới vài chục năm. Tất cả các chai rượu vang bán đấu giá với tuổi đời vài trăm năm chỉ có giá trị sưu tập, không còn có giá trị về mặt sử dụng nữa.

( Nguồn: Tô Việt )